Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
NGHỀ LÀM BÁNH Ú TRO LÀNG THANH TIÊN, PHÚ MẬU
Ngày cập nhật 30/05/2023

Làng Thanh Tiên Phú Mậu nổi tiếng bởi nghề truyền thống làm hoa giấy, nhưng ít ai biết đến vùng đất này còn có thêm một nghề truyền thống nữa, đó là nghề làm bánh ú tro. Nghề làm bánh ú tro của làng Thanh Tiên, Phú Mậu đã có từ lâu đời và người dân Thanh Tiên không còn nhớ nghề bắt đầu từ mốc thời gian cụ thể nào, chỉ được các mẹ, các chị ở nơi đây cho biết nghề làm bánh ú tro và sản phẩm bánh u tro ra đời xuất phát từ nhu cầu ẩm thực chủ yếu của cộng đồng người Hoa đến Huế để làm ăn, buôn bán và định cư.

Khi nói đến cộng đồng người Hoa có liên quan đến vùng đất Thanh Tiên, Phú Mậu, xin được nói thêm về một thời kỳ vùng đất này được phát triển nhờ giao thương với các thương lái người Hoa và các tỉnh lân cận. Vào thời kỳ phát triển thịnh vượng của thương cảng Thanh Hà và Bao Vinh, ở phía bên kia sông Hương, thì dải đất dọc bờ bên này của con sông (làng Thanh Tiên, làng Thế Vinh .v.v..) thuộc xã Phú Mậu cũng nhờ đó mà phát triển theo, nhất là việc giao thương buôn bán. Các thuyền lớn và các ghe (cách gọi dân gian thời bấy giờ) của người Hoa và các tỉnh lân cận mà chủ yếu là của các thương lái người Quảng Nam, Hội An đã đến đây và đậu dọc các bến sông, trải dài từ làng Thế Vinh đến hết làng Thanh Tiên, thuộc xã Phú Mậu để giao thương, trao đổi hàng hóa, tạo ra một khung cảnh mua bán nhộn nhịp, tấp nập ở một vùng đất có khoảng cách không xa kinh thành Huế. Theo lời kể của người dân nơi đây được truyền lại qua các thế hệ, hàng hóa của các ghe, thuyền đem đến để bán ở vùng đất này rất đa dạng, nhưng chủ yếu là các mặt hàng như vải vóc, dừa trái, đường cát, đường bánh (đường đen đúc thành bánh) và đồ gốm sứ của xứ Quảng như nồi niêu, chén, bát v.v.. Những sản vật chủ yếu của Phú Mậu được người dân đem trao đổi, bán lại cho các thương lái là lúa gạo, khoai, sắn và các lại hoa quả, bánh trái do chính nhân dân địa phương làm ra. Việc giao thương buôn bán này cũng đem lại những cơ hội về lưu thông những sản phẩm hàng hóa của địa phương, tạo nguồn thu nhập, phát triển kinh tế cho một vùng đất thời bấy giờ.  Cũng bởi thế cho nên người làng Thanh Tiên, Phú Mậu đã có những câu ca dao truyền miệng từ xa xưa đến tận bây giờ:

“Thanh Tiên cao bợt hẳm bờ

Khi mô ghe lại mẹ nhờ duyên con”

Trở lại với nghề làm bánh u tro của làng Thanh Tiên (Phú Mậu), bánh ú tro được các chị, các mẹ trong làng thường gói để ăn và bán quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu là vào dịp Tết Đoan Ngọ (mồng 5/5 Âm lịch). Khách hàng chủ yếu ưa chuộng sản phẩm này là những người Hoa đến Huế để buôn bán, làm ăn và sinh sống ở các phố như Gia Hội, Bao Vinh. Hằng năm vào dịp tết Đoan Ngọ, nhiều hộ gia đình trong làng gói bánh để dâng cúng thổ thần, tổ tiên và đem bán. Các chị, các mẹ đã đem bánh đến khắp các chợ của thành phố Huế và tận các con hẻm nơi có nhiều người Hoa sinh sống như các phố Bao Vinh, Gia Hội để bán.

Bánh ú tro được làm trải qua nhiều công đoạn sơ chế, mất nhiều thời gian và công phu, tỉ mỉ. Người dân làng Thanh Tiên thường đến những lò gạch ở phía bên kia sông Hương (lò gạch Nam Thanh) để lấy tro mang về và đổ nước sạch vào ngâm cùng. Công đoạn này phải mất khoảng chừng nửa tháng để tro gạch và nước hòa quyện với nhau, chờ đến lúc nước tro lắng xuống trong vắt và có màu đỏ nồng của tro thì đem ra lọc nước bằng những tấm vải mùng. Nước sau khi lọc sẽ đem ngâm với gạo nếp khoảng chừng nửa ngày. Gạo nếp cũng chính là nông sản do người dân làng trực tiếp làm ra. Bánh ú tro được gói bằng những chiếc lá dong to và xanh mướt. Lá dong được rửa sạch, lau khô, nếp sau khi ngâm có màu đỏ hồng của nước tro thì đem gói bằng lá dong thành hình chóp (các chị, các mẹ nơi đây thường gọi là hình ba góc). Bánh được gói và kết chùm (xâu chuỗi) thành 50 bánh/1 chùm bằng sợi lát (sợi được làm từ cây lát). Người làm bánh thường đi kiếm măng tre ở trong làng về bóc vỏ, rửa sạch và thái lát mỏng. Người ta xếp thứ tự một lớp bánh rồi kế tiếp một lớp măng tre vào nồi, cứ tuần tự như vậy cho đến lúc bánh đầy nồi và luộc. Cách luộc bánh ú tro cũng giống như luộc bánh chưng, bánh tét nhưng thời gian luộc nhiều hơn. Bánh được xem là chín khi mở bánh ra, hạt nếp trở nên trong và dẻo như bột lọc. Bánh có màu đỏ hồng của nước tro và măng tre, có vị nồng của tro, vị ngọt bùi của hạt nếp, mùi thơm của lá dong.

Bánh ú tro được nhiều địa phương khác nhau làm, nhưng nhìn chung bánh ú tro của làng Thanh Tiên, Phú Mậu là sản phẩm mang đặc trưng riêng, nhất là về các công đoạn làm bánh và mùi vị bánh của vùng đất này, chúng không hoàn toàn giống như bánh của các nơi khác.

Ngày nay, khi các lò gạch làng Nam Thanh ở phía bên kia sông Hương không còn hoạt động thì nghề làm bánh ú tro của Thanh Tiên cũng có nguy cơ mai một và có rất ít người làm, do công đoạn lấy tro gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Hiện tại, nghề làm bánh ú tro Thanh Tiên thi thoảng vẫn còn được một vài hộ gia đình trong làng duy trì và không còn phổ biến như trước đây, chỉ tập trung chủ yếu vào dịp tết Đoan Ngọ khi có đơn đặt hàng.

Phú Mậu là nơi từng có những làng nghề truyền thống nổi tiếng nay đã không còn như nghề thau thiếc ở Mậu Tài, nghề sơn son thiếp vàng ở Tiên Nộn mà bây giờ khi nhắc đến như là để hoài niệm về một thời huy hoàng của những nghề truyền thống quê hương với những bàn tay tài hoa của người dân Phú Mậu. Ngày nay, nghề làm bánh ú tro Thanh Tiên đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền vì việc tìm kiếm nguyên liệu làm bánh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung thì thu nhập đem lại từ nghề làm bánh ú tro là không đáng kể, cho nên không được nhiều người nơi đây quan tâm. Bánh ú tro Thanh Tiên ngày nay chỉ còn một vài hộ, mà chủ yếu là các mẹ các bà lớn tuổi tiếp tục duy trì. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống ở Phú Mậu nói chung và nghề làm bánh ú tro Thanh Tiên nói riêng là một thách thức, khó khăn đòi hỏi địa phương, bao gồm cả cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân nơi đây phải quan tâm, trăn trở và phải tìm ra những giải pháp hiệu quả để gìn giữ và phát huy, nhằm lưu lại những giá trị truyền thống văn hóa, nét đẹp lao động của một vùng đất ven đô./.


 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
NGHỀ LÀM BÁNH Ú TRO LÀNG THANH TIÊN, PHÚ MẬU
Ngày cập nhật 30/05/2023

Làng Thanh Tiên Phú Mậu nổi tiếng bởi nghề truyền thống làm hoa giấy, nhưng ít ai biết đến vùng đất này còn có thêm một nghề truyền thống nữa, đó là nghề làm bánh ú tro. Nghề làm bánh ú tro của làng Thanh Tiên, Phú Mậu đã có từ lâu đời và người dân Thanh Tiên không còn nhớ nghề bắt đầu từ mốc thời gian cụ thể nào, chỉ được các mẹ, các chị ở nơi đây cho biết nghề làm bánh ú tro và sản phẩm bánh u tro ra đời xuất phát từ nhu cầu ẩm thực chủ yếu của cộng đồng người Hoa đến Huế để làm ăn, buôn bán và định cư.

Khi nói đến cộng đồng người Hoa có liên quan đến vùng đất Thanh Tiên, Phú Mậu, xin được nói thêm về một thời kỳ vùng đất này được phát triển nhờ giao thương với các thương lái người Hoa và các tỉnh lân cận. Vào thời kỳ phát triển thịnh vượng của thương cảng Thanh Hà và Bao Vinh, ở phía bên kia sông Hương, thì dải đất dọc bờ bên này của con sông (làng Thanh Tiên, làng Thế Vinh .v.v..) thuộc xã Phú Mậu cũng nhờ đó mà phát triển theo, nhất là việc giao thương buôn bán. Các thuyền lớn và các ghe (cách gọi dân gian thời bấy giờ) của người Hoa và các tỉnh lân cận mà chủ yếu là của các thương lái người Quảng Nam, Hội An đã đến đây và đậu dọc các bến sông, trải dài từ làng Thế Vinh đến hết làng Thanh Tiên, thuộc xã Phú Mậu để giao thương, trao đổi hàng hóa, tạo ra một khung cảnh mua bán nhộn nhịp, tấp nập ở một vùng đất có khoảng cách không xa kinh thành Huế. Theo lời kể của người dân nơi đây được truyền lại qua các thế hệ, hàng hóa của các ghe, thuyền đem đến để bán ở vùng đất này rất đa dạng, nhưng chủ yếu là các mặt hàng như vải vóc, dừa trái, đường cát, đường bánh (đường đen đúc thành bánh) và đồ gốm sứ của xứ Quảng như nồi niêu, chén, bát v.v.. Những sản vật chủ yếu của Phú Mậu được người dân đem trao đổi, bán lại cho các thương lái là lúa gạo, khoai, sắn và các lại hoa quả, bánh trái do chính nhân dân địa phương làm ra. Việc giao thương buôn bán này cũng đem lại những cơ hội về lưu thông những sản phẩm hàng hóa của địa phương, tạo nguồn thu nhập, phát triển kinh tế cho một vùng đất thời bấy giờ.  Cũng bởi thế cho nên người làng Thanh Tiên, Phú Mậu đã có những câu ca dao truyền miệng từ xa xưa đến tận bây giờ:

“Thanh Tiên cao bợt hẳm bờ

Khi mô ghe lại mẹ nhờ duyên con”

Trở lại với nghề làm bánh u tro của làng Thanh Tiên (Phú Mậu), bánh ú tro được các chị, các mẹ trong làng thường gói để ăn và bán quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu là vào dịp Tết Đoan Ngọ (mồng 5/5 Âm lịch). Khách hàng chủ yếu ưa chuộng sản phẩm này là những người Hoa đến Huế để buôn bán, làm ăn và sinh sống ở các phố như Gia Hội, Bao Vinh. Hằng năm vào dịp tết Đoan Ngọ, nhiều hộ gia đình trong làng gói bánh để dâng cúng thổ thần, tổ tiên và đem bán. Các chị, các mẹ đã đem bánh đến khắp các chợ của thành phố Huế và tận các con hẻm nơi có nhiều người Hoa sinh sống như các phố Bao Vinh, Gia Hội để bán.

Bánh ú tro được làm trải qua nhiều công đoạn sơ chế, mất nhiều thời gian và công phu, tỉ mỉ. Người dân làng Thanh Tiên thường đến những lò gạch ở phía bên kia sông Hương (lò gạch Nam Thanh) để lấy tro mang về và đổ nước sạch vào ngâm cùng. Công đoạn này phải mất khoảng chừng nửa tháng để tro gạch và nước hòa quyện với nhau, chờ đến lúc nước tro lắng xuống trong vắt và có màu đỏ nồng của tro thì đem ra lọc nước bằng những tấm vải mùng. Nước sau khi lọc sẽ đem ngâm với gạo nếp khoảng chừng nửa ngày. Gạo nếp cũng chính là nông sản do người dân làng trực tiếp làm ra. Bánh ú tro được gói bằng những chiếc lá dong to và xanh mướt. Lá dong được rửa sạch, lau khô, nếp sau khi ngâm có màu đỏ hồng của nước tro thì đem gói bằng lá dong thành hình chóp (các chị, các mẹ nơi đây thường gọi là hình ba góc). Bánh được gói và kết chùm (xâu chuỗi) thành 50 bánh/1 chùm bằng sợi lát (sợi được làm từ cây lát). Người làm bánh thường đi kiếm măng tre ở trong làng về bóc vỏ, rửa sạch và thái lát mỏng. Người ta xếp thứ tự một lớp bánh rồi kế tiếp một lớp măng tre vào nồi, cứ tuần tự như vậy cho đến lúc bánh đầy nồi và luộc. Cách luộc bánh ú tro cũng giống như luộc bánh chưng, bánh tét nhưng thời gian luộc nhiều hơn. Bánh được xem là chín khi mở bánh ra, hạt nếp trở nên trong và dẻo như bột lọc. Bánh có màu đỏ hồng của nước tro và măng tre, có vị nồng của tro, vị ngọt bùi của hạt nếp, mùi thơm của lá dong.

Bánh ú tro được nhiều địa phương khác nhau làm, nhưng nhìn chung bánh ú tro của làng Thanh Tiên, Phú Mậu là sản phẩm mang đặc trưng riêng, nhất là về các công đoạn làm bánh và mùi vị bánh của vùng đất này, chúng không hoàn toàn giống như bánh của các nơi khác.

Ngày nay, khi các lò gạch làng Nam Thanh ở phía bên kia sông Hương không còn hoạt động thì nghề làm bánh ú tro của Thanh Tiên cũng có nguy cơ mai một và có rất ít người làm, do công đoạn lấy tro gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Hiện tại, nghề làm bánh ú tro Thanh Tiên thi thoảng vẫn còn được một vài hộ gia đình trong làng duy trì và không còn phổ biến như trước đây, chỉ tập trung chủ yếu vào dịp tết Đoan Ngọ khi có đơn đặt hàng.

Phú Mậu là nơi từng có những làng nghề truyền thống nổi tiếng nay đã không còn như nghề thau thiếc ở Mậu Tài, nghề sơn son thiếp vàng ở Tiên Nộn mà bây giờ khi nhắc đến như là để hoài niệm về một thời huy hoàng của những nghề truyền thống quê hương với những bàn tay tài hoa của người dân Phú Mậu. Ngày nay, nghề làm bánh ú tro Thanh Tiên đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền vì việc tìm kiếm nguyên liệu làm bánh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung thì thu nhập đem lại từ nghề làm bánh ú tro là không đáng kể, cho nên không được nhiều người nơi đây quan tâm. Bánh ú tro Thanh Tiên ngày nay chỉ còn một vài hộ, mà chủ yếu là các mẹ các bà lớn tuổi tiếp tục duy trì. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống ở Phú Mậu nói chung và nghề làm bánh ú tro Thanh Tiên nói riêng là một thách thức, khó khăn đòi hỏi địa phương, bao gồm cả cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân nơi đây phải quan tâm, trăn trở và phải tìm ra những giải pháp hiệu quả để gìn giữ và phát huy, nhằm lưu lại những giá trị truyền thống văn hóa, nét đẹp lao động của một vùng đất ven đô./.


 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 676.000
Truy cập hiện tại 9